CJSC

Investor's Confidence

Năm 2013: Tập trung giảm "rào cản" để thu hút FDI

06/11/2014

Năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, giảm "rào cản" cho nhà


 
 
Năm 2013: Tập trung giảm "rào cản" để thu hút FDI

Năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, giảm "rào cản" cho nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh tại buổi họp báo ngày 4/1/2013.

- Được biết, năm 2013 tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn rất nhiều khó khăn, vậy Bộ Kế hoạch Đầu tư dự định thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm nay ở mức độ như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế, nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2012 sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa thể phục hồi mạnh trong năm tới. Sau khi thảo luận chúng tôi đưa ra dự kiến vốn đầu tư FDI đăng ký năm 2013 đạt khoảng 13 - 14 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,5 - 11 tỷ USD, tương đương với năm 2012.

Để đạt được mục tiêu thu hút FDI đề ra, năm 2013 Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút FDI giai đoạn 2011-2020 nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để hỗ trợ thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, phấn đấu giảm rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành dịch vụ mà Việt Nam đang có nhu cầu, đồng thời xây dựng các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để hạn chế các dự án không khuyến khích.

- Trong đánh giá tình hình thu hút FDI, Bộ cho rằng, chính sách pháp pháp luật chậm được cải tiến, làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonexia, Myanma... vậy việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI trong năm 2013 cụ thể như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Về cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI, Bộ đã đề ra 9 giải pháp cơ bản. Trong đó trước hết là phải hoàn thiện luật pháp, chính sách về đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2011 – 2020 nhưng cũng phải đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Đặc biệt là phải sửa cho được hiện tượng chồng chéo trong chính sách để không có chuyện Bộ Kế hoạch Đầu tư thì ra chính sách ưu đãi, Bộ Tài chính lại đánh thuế. Hiện Bộ đang trình Chính phủ sửa đổi các nút thắt này. Những việc nào thuộc thẩm quyền Chính phủ giải quyết sẽ giải quyết ngay.

Bộ cũng sẽ thực hiện tốt 3 khâu: cải cách thể chế, cải thiện cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra sẽ cải tiến phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và theo đối tác. Tới đây, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan quản lý các dự án có quy mô, tác động lớn, tính lan tỏa cao phải có quy trình thẩm tra của các Bộ, ngành. Tại sao phải như thế, bởi có những vấn đề trong thu hút FDI mà địa phương không lo được, nhìn thấy được.

Bên cạnh việc xúc tiến thu hút vốn FDI mới, sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nhà đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, giảm rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu.

- Lâu nay, nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực được đánh giá rất quan trọng, mang tính nền tảng của nền kinh tế. Tuy nhiên, thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này lại rất hạn chế. Bộ có chính sách gì để thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này trong thời gian tới không?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong mỗi kỳ họp của Quốc hội hoặc của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều đưa ra vấn đề này. Từ trước đến nay, việc thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất hạn chế. Ngay cả doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực này cũng thấp. Trong khi thực tế cho thấy, năm qua ngành nông nghiệp là cứu cánh cho kinh tế vĩ mô.

Để khuyến khích vốn FDI vào lĩnh vực này, nâng sản xuất nông nghiệp lên tầm hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao hơn thì phải sửa đổi chính sách thu hút đầu tư, kể cả các chính sách ưu đãi cho FDI vào lĩnh vực này. Bộ đang xây dựng để trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định 61 về thu hút đầu tư, trong đó có các điều khoản hỗ trợ mạnh, đặc biệt là thu hút vốn FDI vào vùng khó khăn bằng các ưu đãi lãi suất, tín dụng và các hỗ trợ khác của Nhà nước.

Ví dụ, các doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản cho đồng bào khi vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu đều có hỗ trợ. Thứ hai là trong thu hút FDI sẽ quy định nếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vào khu vực, địa bàn khó khăn sẽ được hỗ trợ mạnh hơn để vận động, khuyến khích mọi doanh nghiệp của các quốc gia đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.

Tôi tin là Chính phủ sẽ sớm phê chuẩn Dự thảo sửa đổi Nghị định 61 và ban hành trong thời gian tới.

- Trong thời gian qua có một số doanh nghiệp FDI vay vốn của các tổ chức tín dụng trong nước nhưng đã bỏ trốn, vậy Bộ có hướng xử lý thế nào với các nhà đầu tư này?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đúng là có hiện tượng một số doanh nghiệp FDI ở một số địa phương vay vốn của các tổ chức tín dụng trong nước nhưng do làm ăn thua lỗ nên đã bỏ trốn. Đây là vấn đề rất phức tạp vì liên quan đến quy định của quốc tế.

Trong quy định pháp luật, nếu khoản nợ đó nằm trong phạm vi hành chính kinh tế thì cơ quan quản lý kinh tế có yêu cầu các ngân hàng thương mại phối hợp để thu hồi, xử lý các tài sản thế chấp nếu không xử lý được phải có hợp tác quốc tế. Hiện có nhiều khoản nợ bị treo vì cơ quan quản lý không tìm được địa chỉ chính xác của chủ doanh nghiệp đó tại nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam đang tham khảo kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới để xử lý tình trạng này, đồng thời phối hợp với nước sở tại để tìm ra cách xử lý tốt nhất.

Tuy nhiên, tôi xin khẳng định, số lượng các doanh nghiệp FDI bỏ trốn, để lại một khoản nợ đối với các ngân hàng thương mại trong nước là không nhiều và không phổ biến.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 
Theo Minh Thúy
Vietnam+

Liên hệ

Trụ sở chính:

P.605 Toà nhà TOYOTA Mỹ Đình, 15 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tel: (+84) 243.7957.717

Fax: (+84-4).3795.7716

Chi nhánh phía Nam:

Số nhà 55, đường S, khu đô thị Lakeview City, phường An Phú, thành phố Thủ Đức, Tp. HCM

Tel: (+84-28).3535.1497

Email: cjsc@cjsc.vn
Hotline: (+84) 983.384.888

© CJSC. All rights reserved | Design by Vtechcom

Lên đầu trang