CJSC

Investor's Confidence

Chạy ưu đãi cho doanh nghiệp FDI

06/11/2014

(TBKTSG) - Với số vốn đăng ký đầu tư 5,7 tỉ đô la Mỹ, Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Chỉ trong năm 2013, nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh đã đạt giá trị xuất khẩu gần 24 tỉ đô la Mỹ, bằng 18% tổng kim ngạch xuất


(TBKTSG) - Với số vốn đăng ký đầu tư 5,7 tỉ đô la Mỹ, Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Chỉ trong năm 2013, nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh đã đạt giá trị xuất khẩu gần 24 tỉ đô la Mỹ, bằng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Samsung đã cam kết lấy Việt Nam làm cơ sở sản xuất hàng đầu thế giới của hãng.

Thuyết phục được Samsung vào Việt Nam là chuyện không dễ dàng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải nhiều lần chủ trì các cuộc họp với các bộ, ngành để giải quyết từng khúc mắc của họ.

Gần đây nhất, Thủ tướng đã chấp thuận cho Samsung Display, công ty chuẩn bị đầu tư nhà máy sản xuất màn hình điện thoại di động tại Bắc Ninh, được hưởng thuế suất thuế thu nhập nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong thời hạn 30 năm kể từ khi doanh nghiệp có doanh thu từ hoạt động được hưởng ưu đãi thuế, miễn bốn năm và giảm 50% trong chín năm tiếp theo nếu dự án đáp ứng các tiêu chí công nghệ cao theo đúng cam kết tại hồ sơ. Về phần mình, chính quyền tỉnh Bắc Ninh cũng đang xem xét nhiều ưu đãi kèm theo.


Samsung là một trong nhiều dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài có vốn lớn
mà các quan chức cao 
cấp phải đích thân xem xét ưu đãi

 

Samsung chỉ là một trong nhiều dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) có vốn lớn mà các quan chức cao cấp phải đích thân xem xét ưu đãi. Trong giai đoạn từ năm 1998-2004, các doanh nghiêp này đã hưởng lợi nhiều từ các ưu đãi đầu tư khác nhau về thuế suất và thời hạn được miễn thuế khi so sánh với các doanh nghiệp trong nước cũng như các ưu đãi khác về tín dụng, đất đai.

Tại Việt Nam, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32% trong năm 1997, 28% từ 2003, 25% từ 2009, 22% từ 1-1-2014 và 20% (dự kiến có hiệu lực từ 1-1-2016).

Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI còn được ưu đãi của chính quyền địa phương. Các tỉnh cụ thể hóa ưu đãi đầu tư của họ dưới nhiều hình thức khác nhau, từ việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng, quảng cáo, hỗ trợ đào tạo người lao động đến khen thưởng trong lĩnh vực môi giới đầu tư.

Những chính sách này làm giới doanh nghiệp tư nhân trong nước không khỏi phân bì. Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương  mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, người có nhiều kinh nghiệm làm việc với các địa phương sau tám năm thực hiện báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nói: “Nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tin chắc rằng có một bộ phận quan chức tỉnh ưu tiên đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài hơn là phát triển doanh nghiệp dân doanh trong nước tại tỉnh”.

Báo cáo PCI 2013 khẳng định, doanh nghiệp dân doanh tại Hà Tĩnh phải vật lộn với rất nhiều khó khăn. Điều này là trái ngược với những ưu ái mà tỉnh này đã xem xét, hay đang đề nghị Chính phủ cấp cho các dự án FDI tại tỉnh, đặc biệt là Formosa.

Một báo cáo khác do Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công bố gần đây cho thấy, qua khảo sát 1.426 doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất, có tới 97% doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc, 79% ở Hà Nội, 72% ở Đồng Nai, 65% ở Bắc Ninh trả lời là họ được nhận ưu đãi tài chính của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Patrick Gilabert, Trưởng đại diện UNIDO Việt Nam, hiện tại chỉ có khoảng 5-6% doanh nghiệp FDI mang công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Ông nói: “Điều này trùng với phát hiện của báo cáo là các doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều lao động và xuất khẩu nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam nhưng hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực trả lương thấp và sử dụng lao động kỹ năng thấp”. Ông khuyến cáo, thu hút FDI nhằm xây dựng nền kinh tế chứ không phải để làm thui chột đầu tư trong nước.

Ông Brian Portelli, người thực hiện báo cáo nói trên cho rằng, các chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam chỉ tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế, và gây tốn kém cho ngân sách. Theo ông, “các ưu đãi thuế ở Việt Nam làm tăng tính cạnh tranh, nhưng không thay thế cho sự cạnh tranh. Vì thế, đây là cuộc đua xuống đáy”.

Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đặng Xuân Quang thừa nhận, dù có nhiều ưu đãi nhưng việc thu hút vốn FDI vào ba lĩnh vực được đặc biệt ưu tiên là công nghệ cao, nông nghiệp và địa bàn kinh tế khó khăn là thất bại. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, thay vì tăng ưu đãi đầu tư, Nhà nước nên chú trọng cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, cần tránh tình trạng nhiều địa phương cạnh tranh thu hút đầu tư bằng mọi giá đã cấp ưu đãi vượt khung, gây méo mó và biến dạng chính sách ưu đãi chung.

Chính phủ “bác” đề xuất xin cơ chế đặc thù của Formosa

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6-2014 của Văn phòng Chính phủ chiều 1-7-2014, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết Chính phủ không đồng ý với những đề xuất thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng  của Formosa (Đài Loan). 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, sau sự cố tháng 5, Formosa có xin cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, phát triển khu này theo dự án của họ đề ra với một thiện chí tốt. “Nhưng pháp luật chúng ta không có quy định điều đó, nên chúng ta không đồng ý”, ông Nên nói.

Trước đó, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm không đồng tình với những đề xuất của chủ đầu tư, vì cho rằng, hiện dự án Formosa đang được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Việc biến Khu Kinh tế Vũng Áng thành đặc khu kinh tế với ban quản lý đặc thù trực thuộc Văn phòng Chính phủ (như Formosa đề xuất), là chưa có tiền lệ và không cần thiết vì hiện tại đã có Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc triển khai dự án Formosa theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”.

Để kịp hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của Formosa, theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổ Công tác liên ngành trung ương hỗ trợ dự án Formosa.

Theo www.chinhphu.vn

 

www.thesaigontimes.vn

Liên hệ

Trụ sở chính:

P.605 Toà nhà TOYOTA Mỹ Đình, 15 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tel: (+84) 243.7957.717

Fax: (+84-4).3795.7716

Chi nhánh phía Nam:

Số nhà 55, đường S, khu đô thị Lakeview City, phường An Phú, thành phố Thủ Đức, Tp. HCM

Tel: (+84-28).3535.1497

Email: cjsc@cjsc.vn
Hotline: (+84) 983.384.888

© CJSC. All rights reserved | Design by Vtechcom

Lên đầu trang