CJSC

Investor's Confidence

FDI năm 2012: Giảm khoảng cách vốn thực hiện và đăng ký (03/01/2012)

06/11/2014

Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian tới giảm chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng. Năm 2012, Việt Nam đặt mục tiêu giải ngân 11 tỷ USD trên tổng số vốn đăng ký 16 tỷ USD - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ


   

Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian tới giảm chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng. Năm 2012, Việt Nam đặt mục tiêu giải ngân 11 tỷ USD trên tổng số vốn đăng ký 16 tỷ USD - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Đỗ Nhất Hoàng khẳng định tại cuộc họp công bố số liệu tình hình thu hút vốn FDI 2011, dự báo 2012 tổ chức vào cuối tuần qua.

Giảm khoảng cách giữa vốn thực hiện và vốn đăng ký

Theo Cục trưởng Hoàng, năm 2012 và sau đó, quản lý FDI sẽ chú trọng và tăng cường theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả; hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về FDI. Chính sách ưu đãi đầu tư, cách thức xúc tiến thu hút FDI và đối tượng thu hút FDI cũng sẽ thay đổi nhằm đáp ứng các mục tiêu đề ra. Việc thu hút FDI có chọn lọc, định hướng vào những lĩnh vực công nghệ cao có tính cạnh tranh, ít hao tốn tài nguyên, thân thiện với môi trường... Hạn chế thu hút vốn vào các lĩnh vực phi sản xuất làm gia tăng nhập siêu, sử dụng không hiệu quả tài nguyên, đất đai, điện... và gây ô nhiễm môi trường, như một số dự án sản xuất sắt thép vật liệu xây dựng. Năm 2012, đặt mục tiêu thu hút 15 -16 tỷ USD và phấn đấu giải ngân 11 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ KH & ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, chúng ta không nên quá xem trọng nguồn vốn FDI đăng ký mà nên tập trung vào nguồn vốn giải ngân, giảm khoảng cách chênh lệch giữa vốn thực hiện và vốn đăng ký. Thứ trưởng dẫn chứng, mặc dù vốn đăng ký mới và tăng thêm tại Việt Nam trong năm 2011 chỉ đạt 14,7 tỷ USD, bằng 74% so với năm 2010, nhưng vốn giải ngân đạt tới 11 tỷ USD, bằng với mức thực hiện của năm 2010 và đóng góp gần 26% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt, khu vực FDI đã đóng góp 3,5 tỷ USD vào thu nội địa, tăng 15% so với năm 2010, góp phần giảm bội chi ngân sách. 

Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, thời gian tới Bộ cũng sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp: luật pháp và chính sách; quy hoạch; cải thiện cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; giải phóng mặt bằng; phân cấp và xúc tiến đầu tư... Cũng theo thống kê của Bộ KH-ĐT, vốn FDI đăng ký năm 2011 đã tập trung tới 76,4% vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, cao hơn hẳn tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này trong năm 2010. Trong đó, FDI đưa vào kinh doanh bất động sản chỉ còn chiếm 5,8% so với 34,3% của năm 2010. 

Tính đến 15-12-2011, Việt Nam có 13.667 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 198 tỷ USD. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 24 tỷ USD, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. TP. Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 32,67 tỷ USD còn hiệu lực, tiếp theo là Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn đối với họ. Một điều tra của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc cho thấy, Việt Nam đã thăng hạng 3 bậc, đứng thứ nhất trong Asean về mức độ hấp dẫn FDI và là một trong 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Vẫn khó để kết luận doanh nghiệp chuyển giá

Một trong những mục tiêu quan trọng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra trong năm 2012 đó là hoàn thiện đề án chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm soát nhằm phát hiện những vi phạm của doanh nghiệp FDI trong đầu tư chuyển giá đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tích cực triển khai. "Song, để khẳng định chính xác một doanh nghiệp FDI có hiện tượng chuyển giá là điều không hề đơn giản”. Lý do là bởi chúng ta chưa có đội ngũ cán bộ đủ mạnh về chuyên môn, có đủ năng lực để có thể đưa ra những kết luận xác đáng rằng doanh nghiệp đó có chuyển giá hay không. Đối với mỗi kết luận liên quan đến vấn đề chuyển giá ở các doanh nghiệp, chúng ta phải có đủ cơ sở dữ liệu, có đầy đủ thông tin cũng như thời gian chứng minh. Bởi vậy, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong đề án về chống chuyển giá mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, Bộ đã có các đề xuất lên Chính phủ trong việc hỗ trợ công tác đào tạo để có nguồn nhân lực đủ mạnh, chuyên môn cao đối với lĩnh vực này. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể tổ chức triển khai công tác này một cách đầy đủ dựa trên bộ cơ sở dữ liệu đã hoàn thiện. 

Như vậy, theo những nhận định của ông Hoàng thì đề án chống chuyển giá mới chỉ đang trong thời kỳ "thai nghén”. Điều này khiến dư luận lo ngại, trong thời gian đề án đang được hoàn thiện, không loại trừ khả năng các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục các hành vi chuyển giá. Trả lời những băn khoăn này, ông Hoàng đề xuất: Trước mắt, các cơ quan có liên quan, cơ quan thuế cần tích cực kiểm tra việc thu chi của doanh nghiệp, phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như hải quan, thuế nước ngoài để nắm được yếu tố chi phí đầu vào, kiểm tra, kiểm soát các dòng tiền một cách chặt chẽ... Quyết liệt trong giải quyết các trường hợp kê khai lỗ thường xuyên. 
Duy Phương – Thúy Hằng
(BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT

Liên hệ

Trụ sở chính:

P.605 Toà nhà TOYOTA Mỹ Đình, 15 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tel: (+84) 243.7957.717

Fax: (+84-4).3795.7716

Chi nhánh phía Nam:

Số nhà 55, đường S, khu đô thị Lakeview City, phường An Phú, thành phố Thủ Đức, Tp. HCM

Tel: (+84-28).3535.1497

Email: cjsc@cjsc.vn
Hotline: (+84) 983.384.888

© CJSC. All rights reserved | Design by Vtechcom

Lên đầu trang