CJSC

Investor's Confidence

Fitch kỳ vọng Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn năm 2013

06/11/2014

Giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở B+, hãng này cũng cho rằng Việt Nam đã ổn định được kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát và có tiến triển trong việc cải thiện hệ thống ngân hàng. Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch vừa thông báo giữ nguyên


Giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở B+, hãng này cũng cho rằng Việt Nam đã ổn định được kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát và có tiến triển trong việc cải thiện hệ thống ngân hàng.

Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch vừa thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức B+ với triển vọng ổn định. Cơ quan này cũng giữ nguyên trần tín nhiệm quốc gia ở B+ và xếp hạng phát hành nợ ngoại tệ ngắn hạn ở mức B.

Fitch đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá và môi trường thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vì vậy, nền kinh tế ít chịu ảnh hưởng sâu của các diễn biến bên ngoài và có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai. Nợ nước ngoài và khả năng trả nợ thuận lợi hơn so với các nước cùng xếp hạng. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư trong nước cũng ở mức cao, khoảng 28% và 32% trong 5 năm qua, theo ước tính của Fitch.

Fitch giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức B+. Ảnh: Policio
Fitch giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức B+. Ảnh: Policio

Tuy vậy, tốc độ tăng CPI tại Việt Nam hiện vẫn cao hơn và biến động nhanh hơn các nước cùng xếp hạng. Việc này khiến nền kinh tế và tỷ giá dễ chịu ảnh hưởng từ các cú sốc tài chính. Dù tăng trưởng kinh tế cao suốt hai thập kỷ qua, nhân lực và giá trị gia tăng trên đầu người tại đây vẫn ở mức thấp. Các số liệu tài chính, kinh tế cũng chưa được công bố kịp thời, đặc biệt là về dự trữ ngoại hối chính thức.

Thách thức chủ yếu với xếp hạng của Việt Nam là rủi ro tiềm tàng trong ổn định tài chính vĩ mô và tài chính công, do hệ thống ngân hàng lớn nhưng thiếu minh bạch. Đặc biệt, chi phí tái cấu trúc hệ thống ngân hàng có thể sẽ rất lớn. Fitch dự đoán chi phí này có thể lên tới 10% GDP 2012. Tuy nhiên, con số này còn tùy thuộc vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, việc cải tổ cấu trúc và vai trò của vốn ngoại.

Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) thừa nhận nợ xấu cao hơn báo cáo trước đó của các ngân hàng là tín hiệu tốt để cải thiện những yếu kém của lĩnh vực này. Việc cải thiện chất lượng báo cáo tài chính và quản trị doanh nghiệp sẽ giúp Việt Nam tăng xếp hạng.

Fitch kỳ vọng các chính sách sẽ tiếp tục bám sát ổn định kinh tế vĩ mô, gồm giảm lạm phát, ổn định tiền tệ và tránh thâm hụt tài khoản vãng lai lớn. Việt Nam đã tái cân bằng tài khoản vãng lai và tránh được suy thoái sâu. Fitch ước tính thặng dư tài khoản vãng lai sẽ tăng lên 7,2% GDP năm 2012 (từ 0,2% năm 2011). Vì vậy, dự trữ ngoại hối có thể đạt 24 tỷ USD cuối năm 2012. Việc này sẽ giúp Việt Nam đối phó tốt hơn trong trường hợp dòng vốn bị rút ra ồ ạt.

Fitch cho rằng thời kỳ tồi tệ nhất của suy thoái đã qua khi kinh tế Việt Nam phản ứng với các biện pháp thắt chặt ban hành tháng 2/2011 theo Nghị quyết 11 để bình ổn vĩ mô. GDP thực tăng 5,5% nửa cuối năm 2012, cao hơn 4,4% nửa đầu năm. Fitch cũng dự báo GDP thực năm nay sẽ tăng 5,5%, cao hơn 5% năm 2012.

Lạm phát cũng được cải thiện nhanh chóng khi tăng 9,1% năm 2012, so với 18,7% năm 2011. Việc này cho phép SBV cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 6% năm 2012. Tuy nhiên, hãng cho này chính sách tiền tệ không thể nới lỏng thêm nữa do việc này sẽ gây bất lợi cho tỷ giá. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát vẫn còn cao.

Fitch dự đoán Chính phủ Việt Nam sẽ giữ nguyên lập trường tài khóa năm 2013. Hãng này cũng dự đoán thâm hụt ngân sách của Việt Nam thu hẹp còn 5,1% GDP năm 2013, từ 5,9% năm 2012. Tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP cũng sẽ ở mức ổn định 44% GDP năm 2012.

Hãng cho biết xếp hạng của Việt Nam sẽ được nâng lên nếu triển vọng kinh tế vĩ mô được cải thiện, đi kèm với tăng trưởng bền vững; chi phí giải quyết nợ xấu và cải thiện chất lượng tín dụng được công khai và quá trình cải tổ mang tính cấu trúc tăng tốc.

Tuy nhiên, nếu chi phí tái cấu trúc ngân hàng cao hơn dự kiến, đe dọa ổn định tài chính vĩ mô; mục tiêu bình ổn vĩ mô của Nghị quyết 11 bị bãi bỏ để thay bằng các chính sách đe dọa ổn định giá cả; hoặc tài chính công giảm mạnh khiến nợ chính phủ trên GDP của Việt Nam tăng cao có thể khiến hãng này hạ xếp hạng tín nhiệm.

Theo Vnexpress

Liên hệ

Trụ sở chính:

P.605 Toà nhà TOYOTA Mỹ Đình, 15 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tel: (+84) 243.7957.717

Fax: (+84-4).3795.7716

Chi nhánh phía Nam:

Số nhà 55, đường S, khu đô thị Lakeview City, phường An Phú, thành phố Thủ Đức, Tp. HCM

Tel: (+84-28).3535.1497

Email: cjsc@cjsc.vn
Hotline: (+84) 983.384.888

© CJSC. All rights reserved | Design by Vtechcom

Lên đầu trang