CJSC

Investor's Confidence

Kinh tế năm 2013: Vượt khó đi lên

06/11/2014

Năm 2012 - một năm đầy khó khăn thách thức đối với Việt Nam đã qua đi. Dự báo năm 2013, đất nước vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với TS Đỗ Thức, Tổng cục trưởng


Năm 2012 - một năm đầy khó khăn thách thức đối với Việt Nam đã qua đi. Dự báo năm 2013, đất nước vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với TS Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê để nhìn nhận lại nền kinh tế trong năm 2012 và đánh giá, đồng thời đưa ra giải pháp về một số chỉ tiêu cho năm 2013.

Tiến sĩ đánh giá khái quát “bức tranh” kinh tế 2012 như thế nào?

TS Đỗ Thức: Năm 2012 là một năm đầy khó khăn đối với kinh tế Việt Nam. Những khó khăn ấy bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính tiền tệ của Mỹ, khi còn chưa kịp khắc phục thì “cơn bão” khủng hoảng nợ công của châu Âu lại tiếp tục nổ ra.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng tích lũy chưa lớn mạnh, khiến bất ổn vĩ mô vẫn tồn tại. Khi bất ổn tích lũy tiêu dùng, chúng ta lại giải quyết bằng tăng trưởng tín dụng quá nóng, sau đó lại kiểm soát chặt chẽ nhưng lại chững lại. Nợ xấu ngân hàng, hàng tồn kho quá mức ở nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản. Doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động hàng loạt, làm cho cầu giảm đi tuơng đối, cầu ảnh hưởng đến cung, khiến cho tình hình kinh tế càng trở nên khó khăn.

Năm 2012, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, GDP đạt 5,03%, CPI là 6,81%, xuất khẩu hơn 114 tỉ USD. Ngoài ra, chúng ta đã nâng cao hiệu quả đầu tư công, đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước giảm dần. Trong điều kiện như vậy, chúng ta cũng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo, an sinh xã hội được đảm bảo.

Ngay từ đầu năm 2012, Chính phủ đã đặt mục tiêu hàng đầu là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Đạt được những kết quả trên cho thấy, chúng ta thực hiện các biện pháp như vậy là hợp lý. Mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng GDP là không cao, nhưng ở mức hợp lý vì mục tiêu ưu tiên là kiềm chế lạm phát chứ không phải là tăng trưởng kinh tế.

Nhìn chung, năm 2012 tuy điều kiện hết sức khó khăn, song kết quả đạt được là thắng lợi của Chính phủ, cho thấy các giải pháp đặt ra ngày đang càng phát huy hiệu quả.

Theo tiến sĩ, điểm nhấn kinh tế năm vừa qua là gì?

- Dù có nhiều ý kiến bình luận về khó khăn của xuất khẩu, nhưng theo tôi, về đại thể, tình hình xuất khẩu là đuợc.

Lạm phát (CPI) được kiềm chế ở mức thấp 6,81%, đặc biệt là so với năm 2011 là 18,13%.

Một điểm nhấn mà Việt Nam đạt được, đó là vấn đề an sinh xã hội luôn được quan tâm và cải thiện. 2 năm vừa qua tuy ngân sách khó khăn, nhưng chúng ta vẫn tăng lương từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng, đây là mức cao không hề thấp. Mặc dù còn nhiều bất cập đối với khu vực Nhà nước, song chúng ta không thể mong muốn ngày một ngày hai thay đổi ngay được. Trong xã hội còn tồn tại nhiều bất bình đẳng xã hội, giai cấp giàu - nghèo ngày càng có sự chênh lệch lớn nhưng việc này cũng buộc phải chấp nhận và từng bước sẽ cải thiện dần dần.

Tiến sĩ đánh giá thế nào về mục tiêu tăng trưởng 5,5 GDP cho năm 2013?

- Với dự báo kinh tế thế giới trong năm 2013 có một số mặt khả quan hơn năm 2012, với việc Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường trong năm 2013 và với tinh thần chủ động, sáng tạo của chủ doanh nghiệp, sự cần cù, chịu khó của người lao động thì chỉ tiêu tốc độ tăng GDP năm 2013 là 5,5% có thể thực hiện được.

Tôi tin với điều kiện như vậy, nếu chúng ta làm tốt thì GDP năm nay thậm chí còn hơn 5,5%.

Tiến sĩ có thể dự báo gì về CPI quý I và cả năm 2013?

- Dự báo về CPI mấy năm qua là cực kỳ khó. Ban đầu, chúng ta dự báo năm 2011 là 15-16% thì tăng lên 18%. Năm nay tháng 9 dự báo là 8%, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng sẽ là 2 con số, nhưng CPI phụ thuộc rất nhiều vào giá cả các mặt hàng mà Chính phủ quản lý giá, thông qua các bộ, ngành. Ví dụ như Tổng cục Thống kê vừa công bố con số CPI nhưng ngay sau đó điện lại tăng 5%, vì vậy CPI lập tức tăng lên.

Tuy giá điện tăng 5% không ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến CPI nhưng điện tăng ảnh hưởng đến sản xuất, từ đó sẽ vào CPI. Vì vậy đề nghị các bộ, ngành trước khi điều chỉnh giá nên thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như Tổng cục Thống kê biết được chủ trương thì công tác dự báo sẽ sát hơn.

Theo tôi nếu điều hành hợp lý thì CPI năm 2013 sẽ là dưới 8% theo mục tiêu của Quốc hội. Mức đó là vừa phải, bởi nếu cao hơn nữa thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống và mặt bằng giá mới của thế giới thì không thể thấp đuợc. Thứ hai là, một nền kinh tế cần tăng trưởng dương, thậm chí là dương hợp lý thì CPI không thể quá thấp.

Theo như mục tiêu GDP của cả năm 2013 là 5,5% thì Quý I tương ứng sẽ khoảng 4%.

Có ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn chưa đủ sức kiềm chế lạm phát, tiến sĩ bình luận như thế nào về ý kiến này?

- Nếu chúng ta vừa muốn GDP cao vừa muốn kiềm chế CPI thì điều này là rất khó khăn, bởi không thể tạo ra phép màu trong một giai đoạn ngắn. Vì nền kinh tế hiện nay là hệ quả của một quá trình dài khi cân đối về vĩ mô không tốt lắm.

Nên vừa muốn cả hai là điều rất khó, vì vậy, cần phải lựa chọn một giải pháp hài hòa là CPI vẫn phải tăng, đồng thời GDP vẫn phải mở ra, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của đầu tư. Tôi cho rằng, tái cơ cấu kinh tế là phải đầu tư sao cho có hiệu quả chứ không phải loay hoay tháo gỡ, cứu doanh nghiệp này hay cứu doanh nghiệp kia. Mà chúng ta phải thấy doanh nghiệp nào còn làm ăn hiệu quả thì cứu, doanh nghiệp nào không làm ăn hiệu quả thì phải chấp nhận bỏ.

Nhiều tổ chức khuyến cáo ngân hàng không nên hạ lãi suất, vì lo sợ CPI sẽ quay trở lại. Ý kiến của ông thế nào?

- Giảm lãi suất không phải là điều kiện để tăng CPI. Hiện nay doanh nghiệp vay vẫn khó khăn, do nhiều lý do kể cả phía người vay và kể cả phía ngân hàng. Về nguyên lý, tôi đồng ý vẫn nên tiếp tục giảm lãi suất.

Khi CPI không tăng thì việc giảm lãi suất huy động là điều kiện để giảm lãi suất cho vay và việc giảm lãi suất cho vay là việc nhanh chóng cần làm, chứ chênh lệch vẫn lớn thì nguời ta cho rằng, ngân hàng đang được hưởng lợi. Vì vậy, cần có giải pháp cụ thể từ phía Chính phủ và ngân hàng để doanh nghiệp tiếp cận được vốn thì tôi tin là sản xuất mới có thể khôi phục lại được.

 

Theo Quân Lê

Petro Times

Liên hệ

Trụ sở chính:

P.605 Toà nhà TOYOTA Mỹ Đình, 15 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tel: (+84) 243.7957.717

Fax: (+84-4).3795.7716

Chi nhánh phía Nam:

Số nhà 55, đường S, khu đô thị Lakeview City, phường An Phú, thành phố Thủ Đức, Tp. HCM

Tel: (+84-28).3535.1497

Email: cjsc@cjsc.vn
Hotline: (+84) 983.384.888

© CJSC. All rights reserved | Design by Vtechcom

Lên đầu trang