CJSC

Investor's Confidence

SỬ DỤNG THÍCH NGHI QUỸ DI SẢN CÔNG NGHIỆP VÀ KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG SÁNG TẠO

20/04/2019

Theo UNESCO, cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo nên những thay đổi mạnh mẽ về cảnh quan đô thị và lối sống, phương thức sản xuất hàng loạt đã tạo nên những thành tựu to lớn cũng như các công trình kiến trúc hoành tráng


Các công trình công nghiệp được nhận diện là minh chứng quan trọng cho lịch sử phát triển, đánh dấu sức mạnh của con người trong cả việc phá hủy và kiến tạo. Giá trị của các công trình công nghiệp được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 thể hiện ở tính cộng sinh giữa cấu trúc và kiến trúc. Các công trình này cũng chứa đựng khát vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ những năm 70, thế giới đã dần chú ý đến tầm quan trọng của lịch sử công nghiệp khi đặt vấn đề về bảo tồn di sản: Làm thế nào để bảo tồn các công trình này? Làm thế nào để các công trình này là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự phát triển của khu vực xung quanh?. Đó thực sự là thách thức đang đặt ra tại rất nhiều thành phố trên thế giới.

Nhà máy bia Lamot – 1922
Nguồn ảnh: http://www.pcne.org

Trong bài báo này, chúng tôi lựa chọn nhà máy bia Lamot ở Mechelen (Bỉ), là đại diện cho trào lưu sử dụng thích nghi các công trình công nghiệp tại Châu Âu.

Thông qua dự án này, hình ảnh nổi bật về quá khứ, lịch sử phát triển của công trình công nghiệp đã được khôi phục. Dự án đã thành công và có tầm ảnh hưởng lớn, định hướng cho việc khôi phục môi trường xây dựng thay cho việc phá hủy, điều này đặc biệt quan trọng trên khía cạnh tiêu tốn năng lượng. Dự án này cũng được đánh giá là thành công trên cả khía cạnh kinh tế. Nhà máy bia Lamot được sử dụng thành trung tâm hội nghi, trung tâm di sản, cùng với các hoạt động bán lẻ và nhà hàng ăn.

Dự án Lamot – trào lưu sử dụng thích nghi các công trình công nghiệp tại Châu Âu Dự án nhà máy bia Lamot có diện tích đất 1.340m2, diện tích sàn 6.600m2, hoàn thành năm 2005. Dự án nằm gần sông Dijle, một trong những khu công nghiệp lớn nhất ở trung tâm thành phố cũ của Mechelen, đóng vai trò nổi bật trong đời sống kinh tế và xã hội. Kiến trúc của nhà máy bia kể câu chuyện về lịch sử sản xuất bia ở Mechelen trong 367 năm qua. Do tòa nhà không được xếp hạng di sản, nhiều bộ phận đã bị phá hủy và được thay thế bởi các khối nhà mới. Chỉ khoảng một phần tám diện tích khu phức hợp cũ ở trong tình trạng tương đối tốt, và được giữ nguyên vẹn. Mục tiêu của dự án là kết hợp văn hoá với các hoạt động thương mại, thương mại được nuôi dưỡng bởi văn hoá và văn hoá có thể được phản ánh bằng thương mại. Một chuỗi các hoạt động được tổ chức liên tục nhằm kích hoạt sự hồi sinh của nhà máy, trong đó nhà máy bia Lamot và khu vực xung quanh được coi như là chủ đề trung tâm. Sự kết hợp thương mại và văn hoá mới liên quan đến việc nhận diện nhà máy bia là một phần của nền văn hoá địa phương. Quan điểm thiết kế nhấn mạnh độ tương phản giữa cũ và mới, hai yếu tố này cùng tồn tại song hành, kiến trúc đương đại tôn trọng kiến trúc cũ, và tạo nên tính hấp dẫn của khu phức hợp. Phần lớn nhất của nhà máy bia được bảo tồn. Kiến trúc hiện đại được thể hiện thông qua việc sử dụng chất liệu thép và thủy tinh. Cấu trúc bê tông được cắt và chèn thêm các hộp thủy tinh, bê tông dường như được bao quanh bởi thủy tinh. Mới và cũ được kết hợp với nhau theo một cách tinh tế.

KTS người Anh, Cedric Price (2003), một nhà phê bình kiến trúc lỗi lạc, đã mô tả sáu phương pháp thiết kế để chuyển đổi các tòa nhà hiện có bao gồm: Giảm, bổ sung, chèn, kết nối, phá dỡ và mở rộng. Trong công trình Lamot, giảm và bổ sung là những can thiệp chính được sử dụng bởi đội ngũ thiết kế. Giảm được sử dụng như một công cụ để thêm ánh sáng ban ngày và tầm nhìn toàn cảnh. Tòa nhà bị phá vỡ như đã xảy ra vụ nổ bên trong, các bức tường được tháo dỡ và thay thế bằng kính chống cháy. Việc bổ sung kính cho phép người ngoài có thể quan sát và nhận diện được sự chuyển đổi từ nhà máy bia thành tòa nhà công cộng. Đối với mặt tiền ở bờ sông, các khối kính được thêm vào với chức năng là lối vào chính và một khán thính phòng lớn. Bằng cách áp dụng thủ pháp đối lập một cách bất ngờ và nghịch lý xuất hiện như một kết quả, một phương thức hài hòa mới đã được ra đời.

Trung tâm văn hóa Lamot – 2005
Nguồn ảnh: http://www.pcne.org

Tại Lamot, việc hoàn thành dự án dựa trên sự hợp tác công tư. Cách tiếp cận quy trình này là sự hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Các bước thực hiện của dự án bao gồm:

Nghiên cứu tính khả thi;

Kiểm kê khả năng sử dụng;

Nhận diện giá trị và chất lượng của các bộ phận kiến trúc và cấu trúc;

Kiểm kê các điểm liên quan đến quyết định xây dựng. Bởi vì nhà máy bia không được xếp hạng di sản, các quyết định xây dựng phải phù hợp với các yêu cầu pháp lý của quốc gia và châu Âu như an toàn cháy, tiêu chuẩn EPB5 (tiêu chuẩn về yêu cầu năng lượng), tiêu chuẩn bền vững, khả năng tiếp cận và cách nhiệt và âm thanh.

Xác định quan điểm thiết kế và các yêu cầu của quá trình xây dựng thông qua cuộc thi thiết kế.

Xây dựng và thực hiện xây dựng. Chính quyền địa phương nhận được tài trợ từ chính phủ Flemish cho dự án này. Dự án khởi đầu vào năm 2001 và kết thúc năm 2005. Dự án cải tạo Lamot có ảnh hưởng tích cực đến thành phố và được bầu là dự án yêu thích trong lĩnh vực tái sử dụng.

Những bài học rút ra từ Dự án nhà máy bia Laniot

Trung tâm văn hóa Lamot – 2005
Nguồn ảnh: http://hicarquitectura.com

  •  Thứ nhất, Cần thiết nhận diện giá trị di sản của các công trình công nghiệp: Theo Buchli và Lucas (Buchli, Lucas 2001: 3-18), các toà nhà công nghiệp có giá trị vật thể và phi vật thể, là cầu nối thu hẹp khoảng cách lịch sử giữa quá khứ và hiện tại; do đó các giải pháp thiết kế nên tạo ra một cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại. Ngoài ra, thành phố được hình thành từ nhiều lớp lịch sử, các lớp này chồng chéo lên nhau, không nên chối bỏ lớp nào, mỗi lớp lịch sử đều mang giá trị riêng (Pred, 1986: 297).
  •  Thứ hai, cần nhìn nhận việc tái sử dụng các công trình công nghiệp là động lực để phát triển khu vực xung quanh. Các công trình công nghiệp có sự gắn kết chặt chẽ với khu vực xung quanh, thường là nơi ở của công nhân trước đây. Các công nhân này có ký ức gắn bó với khu vực nhà máy. Ngoài ra, việc di dời các nhà máy cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế và cuộc sống xã hội nhóm người này. Việc hồi sinh và tái sử dụng các công trình công nghiệp nên được định hướng là không gian tạo dựng việc làm, gắn kết cộng đồng xã hội, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của khu vực xung quanh. 
  •  Thứ ba, vai trò của KTS là bảo tồn các giá trị kiến trúc và cấu trúc cốt lõi trong khi nâng cấp tòa nhà theo các tiêu chuẩn mới, theo yêu cầu của chức năng mới. Vì những yêu cầu này mâu thuẫn nên nhóm thiết kế phải đưa ra các quyết định dựa trên từng trường hợp cụ thể. Cần thiết phương án sáng tạo cả về giải pháp kiến trúc, cấu trúc, chức năng đối với không gian dường như bị lãng quên. Về khía cạnh kỹ thuật, phương án thiết kế phải đạt được sự cân bằng giữa các giá trị của di tích và sự can thiệp kỹ thuật hiện đại. Về mặt chức năng, các kinh nghiệm trên thế giới cho thấy sự kết hợp ưu việt giữa kinh tế và văn hóa. Trên thế giới không có quy trình rõ ràng để bảo tồn do sự đa dạng trong giá trị cũng như bối cảnh không gian và xã hội của các di sản công nghiệp. Kinh nghiệm thế giới cho thấy muốn bảo tồn di sản bền vững, không nên đặt ra các giải pháp tiêu chuẩn, thay vào đó là việc nhận diện các đặc tính và giá trị văn hóa của từng trường hợp, từ đó đưa ra cách tiếp cận và phương pháp riêng.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc “phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường”, TP Hà Nội đã tiến hành di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực nội thành từ năm 2003. Tính đến ngày 9/12/2016, theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp đề xuất di dời tại 12 quận là 117 cơ sở. Việc di dời các cơ sở sản xuất này sẽ để lại cho thành phố một quỹ đất và quỹ kiến trúc công nghiệp không sử dụng khá lớn tại khu vực nội đô. Việc sử dụng quỹ đất này được quy định để thực hiện xây dựng công trình phục vụ lợi ích công cộng hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác, những quan sát thực tế cho thấy sau 15 năm thực hiện, đa phần quỹ đất này được sử dụng chuyển đổi mục đích sang chức năng thương mại và ở, như các dự án Royal City, Times City, Tràng An Complex, Vincom Center Bà Triệu, … Việc chuyển đổi mục đích đất sang thực hiện dự án đã thu hút rất nhiều các nhà đầu tư, với tốc độ chuyển đổi nhanh chóng, làm thay đổi diện mạo của Hà Nội, mang lại hiệu quả kinh doanh lớn. Tuy nhiên, phương thức này đã làm lãng quên các giá trị kiến trúc, cấu trúc, lịch sử của các công trình công nghiệp được xây dựng trong thời kỳ bao cấp. Những bài học trên đây nhằm cung cấp một góc nhìn khác nhằm bảo tồn các giá trị lịch sử, đem lại sức sống mới cho công trình công nghiệp có giá trị trong đô thị hiện đại, bổ sung vào quỹ không gian công cộng dành cho cộng đồng, đồng thời tạo ra động lực phát triển cả về khía cạnh kinh tế và xã hội cho khu vực xung quanh.

ThS Trương Huyền Anh – TS Lê Quỳnh Chi (Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2018)

Liên hệ

Trụ sở chính:

P.605 Toà nhà TOYOTA Mỹ Đình, 15 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tel: (+84) 243.7957.717

Fax: (+84-4).3795.7716

Chi nhánh phía Nam:

Số nhà 55, đường S, khu đô thị Lakeview City, phường An Phú, thành phố Thủ Đức, Tp. HCM

Tel: (+84-28).3535.1497

Email: cjsc@cjsc.vn
Hotline: (+84) 983.384.888

© CJSC. All rights reserved | Design by Vtechcom

Lên đầu trang